Chầm chậm lao về phía trước

Bộ lọc hình ảnh và tính chân thực của tác phẩm nghệ thuật
bo loc hinh anh art authenticity oddlymachine

Từ tấm hình đầu tiên được chụp bằng máy ảnh còn sống sót được đến ngày nay (tức là có những tấm hình ra đời từ các phát minh trước đó nhưng đều đã bay theo thời gian) mang tên “Góc nhìn từ cửa sổ ở Le Gras” (View from the Windows at Le Gras) do nhà phát minh Nicéphore Niépce chụp vào khoảng đầu thế kỷ 19 cho đến những tấm hình không do con người làm ra vào đầu thế kỷ 21 này, hai thế kỷ tưởng như chẳng đáng là bao trong chiều dài lịch sử của loài người nhưng nhìn vào những thứ tạm gọi là tiến bộ con người thì tốc độ quả là chóng mặt.

7 loại hình nghệ thuật cơ bản hay có thể gọi là 7 loại hình truyền thống gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn học, sân khấu, âm nhạc và điện ảnh. Dù điện ảnh đã được coi là đứa con sinh sau đẻ muộn, nhưng theo khái niệm nghệ thuật ngày nay thì đàn con của nghệ thuật còn đông hơn thế với nhiều đứa còn ít tuổi hơn điện ảnh, và trong số đàn con không được kể tên kia thì nhiếp ảnh nghiễm nhiên chiếm một vị trí khá lớn.

Cho đến nay, ảnh chụp thường được xếp vào hai nhóm dựa trên công nghệ sử dụng, một là ảnh film, hay ảnh analog (dù những khái niệm này cũng còn hơi mù mờ khi được dùng để chỉ ảnh chụp tạo ra bằng quá trình hóa học) và thứ hai là ảnh số, hay ảnh kỹ thuật số bằng các thiết bị điện tử. Vậy nếu thống nhất nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật, thì một tấm ảnh (dù là film hay số) sẽ có khả năng là một tác phẩm nghệ thuật (vì hẳn nhiên không phải bất kỳ tấm ảnh nào ra đời cũng đều là một tác phẩm nghệ thuật), và sự khác biệt giữa chúng cũng sẽ giống như, ví dụ tranh sơn dầu và tranh màu nước, tức là khác nhau trong phương tiện tạo ra sản phẩm đó, hay dùng từ tiếng Việt hay gọi là “chất liệu”.

Nhưng thế giới chất liệu cũng có sự phân biệt đẳng cấp chẳng khác gì thế giới con người, như bút chì hay màu nước vẫn thường được xem là chất liệu thô sơ và chỉ dùng để phác thảo, sơn dầu mới là lãnh chúa là bá vương. Những ý kiến kiểu như vậy (cũng như mọi loại ý kiến) chỉ là quan điểm từng người, nhưng có thể nói là khá phổ biến. Thì hai đứa nhà nhiếp ảnh kia cũng vậy, ảnh film thường được coi là “nghệ thuật hơn”, hay có nơi gọi là có “chất lượng thẩm mỹ riêng biệt” mà bọn kỹ thuật số không thể đạt được.

Trào lưu chụp ảnh film ở Việt Nam ra đời một phần vì niềm hoài cổ, một phần cũng vì cái cảm giác “nghệ thuật hơn” mà ảnh film mang lại. Cảm giác nghệ thuật này nằm ở những đặc điểm riêng của ảnh film, từ màu film do sự khác biệt của các loại chất nhũ phủ trên bề mặt film, các loại hóa chất và quá trình rửa film, cho đến các vấn đề hoặc lỗi sai nhưng lại tạo ra hiệu ứng như chất lượng cuộn film thay đổi theo thời gian hoặc hở sáng, hiện tượng đốm đen hay bụi trên ống kính vân vân. Và chính cái đứa kỹ thuật số kia, bởi sức mạnh công nghệ của nó, có khả năng khiến nó nhìn như thể tạo ra từ ảnh film, qua thứ mà chúng ta sử dụng rất nhiều đó là bộ lọc hình ảnh. Điều này khiến người viết bài này đặt ra câu hỏi vậy thì ảnh số sử dụng bộ lọc có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật không, hay chỉ là một phiên bản giả mạo.

Các định nghĩa là một hố sâu mà người viết bài này rất không muốn kéo người đọc rơi vào kẻo sẽ thành chuyện nghìn lẻ một đêm, nên tạm thời xin chỉ dùng định nghĩa phổ biến là tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo mang giá trị thẩm mỹ (hay giá trị mỹ học). Giả sử một tấm ảnh film và một tấm ảnh số sử dụng bộ lọc khiến nó nhìn như ảnh film, cả hai đều mang lại cho mình một cảm giác về giá trị thẩm mỹ như nhau. Vậy thì để đi tìm thật giả, cũng như Tôn Ngộ Không phải đến hỏi Như Lai vì xung quanh người trần mắt thịt không ai phân biệt nổi, thì ta đành tìm đến lý thuyết về tính chân thực (hay authenticity) trong nghệ thuật.

Tính chân thực trong nghệ thuật sử dụng những đặc điểm để nhận dạng, đánh giá xem một tác phẩm nghệ thuật có phải là thật hay không. Hay như nôm na các bạn dùng hàng hiệu hay gọi là hàng auth, authentic khi so sánh với hàng fake, replica. Một yếu tố được đem ra để đối chiếu thật giả là dựa vào tính chân thực định danh, tức là xác định nguồn gốc của tác phẩm, xem có đúng người nghệ sĩ đó đã tạo ra tác phẩm đó hay không, có đúng nó ra đời vào thời gian và địa điểm đó hay không. Tiêu chí chủ yếu dựa trên những đặc điểm bên ngoài tác phẩm chứ không phải giá trị nội tại của nó, nên không thể giúp xác định được ảnh chụp dùng bộ lọc có tính chân thực hay không.

(Các chuyên gia có nhiều biện pháp để tìm ra xem liệu bức tranh này có phải do, ví dụ Leonardo da Vinci, vẽ không, hay cái bình này có phải gốm thời Minh thật không. Loại chân thực này hầu như không thể áp dụng với nghệ thuật số, như ông Benjamin có nhắc đến từ đầu thế kỷ 20, vì khả năng nhân bản khiến người nghệ sĩ có thể tái tạo rất nhiều tác phẩm y hệt nhau và không cái nào được coi là bản gốc. Vì thế chúng không có tính chân thực định danh. Chỗ này mình có hơi lấn cấn ở điểm là ảnh film có một gốc gác cụ thể duy nhất có thể xác định được, đó là tấm film. Nhưng khó có thể coi tấm film là một tác phẩm nghệ thuật được vì nó thiếu khả năng trình hiện. Giống như một ý tưởng bức tranh trong đầu dù đẹp đến mấy nhưng chưa được vẽ ra vậy. Vả lại dù sao ý này cũng không khiến ảnh film hay ảnh số trở nên thật hay giả khi do cùng một người tạo ra.)

Một yếu tố khác để đánh giá tính chân thực trong nghệ thuật là tính chân thực về văn hóa, theo đó thì một tác phẩm nghệ thuật được coi là chân thực khi phong cách, chất liệu và quy trình sản xuất của nó tuân theo truyền thống nghệ thuật của thể loại. Khái niệm này xuất phát từ định nghĩa truyền thống nghệ thuật đến từ nghệ sĩ thuộc các dân tộc khác nhau. Ví dụ, chỉ người Mường, chẳng hạn, mới có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật của người Mường; nếu bạn không phải người Mường mà bạn sử dụng những chất liệu của họ, tạo ra tác phẩm có phong cách như họ, thì tác phẩm đó được coi là không có tính chân thực. Dưới góc nhìn xã hội thì đây là cách để bảo vệ nghệ sĩ khỏi bị đánh cắp mà hậu quả của nó là chiếm dụng văn hóa. (tuy rằng có người lại cho rằng đó là một cách phân biệt chủng tộc) Xét trong câu hỏi mà ta đang cần trả lời thì tính chân thực về văn hóa cũng không giúp ích gì, vì ảnh film hay ảnh số đều không mang nét đặc thù của một nền văn hóa nào, và người thực hành thì trong trường hợp này chỉ có một thôi nên không có chuyện ai đánh cắp của ai.

Vậy ta lại phải đi sang một loại chân thực khác, đó là tính chân thực trong trình diễn. Về khái niệm này còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc trình diễn như thế nào thì được coi là chân thực, hay thậm chí là có tồn tại loại chân thực này hay không. Loại hình nghệ thuật trình diễn, sau khi tác phẩm ra đời, đòi hỏi cần có người trình hiện nó với người thưởng thức, người này có thể là chính nghệ sĩ tạo ra tác phẩm hoặc người khác, nhưng cơ bản cần có thêm một bước truyền tải nữa so với các loại hình khác, ví dụ của nghệ thuật có yếu tố trình diễn là kịch sân khấu hoặc âm nhạc. Rất may là nhiếp ảnh ít nhiều không thuộc loại này (nếu chúng ta tạm thời bỏ qua công đoạn từ tấm film trở thành tấm ảnh) nên có thể tạm thời bỏ qua một bên mớ lùm xùm này.

Người viết đã phải tìm đến loại chân thực cuối cùng là tính chân thực trong biểu hiện. Khái niệm này bắt nguồn từ khái niệm chân thực trong triết học, theo cách hiểu của chủ nghĩa hiện sinh thì chân thực là mức độ mà hành vi của một người thể hiện đúng với tính cách, mong muốn, hay nói nôm na là đúng với con người anh ta, bất chấp những áp lực từ bên ngoài hay các chuẩn mực xã hội. Khái niệm này cũng phức tạp cực kỳ nhưng bởi vì cái mà nó quan tâm là mối quan hệ của người nghệ sĩ với thế giới, nên nó cũng không giúp gì cho vấn đề đang thắc mắc.

Vậy là người viết đã dạo qua tất cả những gì có thể trong quá trình mò mẫm về tính chân thực trong nghệ thuật, nhưng xem ra không tìm được câu trả lời. Nếu như ảnh có sử dụng bộ lọc hình ảnh là giả mạo, thì nó giả mạo đặc điểm nào, nó ăn cắp hay bắt chước cái gì từ sản phẩm nguyên bản? Không phải tác giả, không phải nguồn gốc xuất xứ, không phải nguồn gốc văn hóa, không phải khả năng thể hiện của nghệ sĩ, cái mà nó bắt chước chính là hiệu ứng chất liệu. Tranh màu nước có sự trong trẻo và hiệu ứng loang là đặc điểm thuộc về bản chất của nó. Nét vẽ của tranh sơn dầu có độ đậm đặc và hình khối, đó cũng là đặc điểm thuộc về bản chất của nó. Một tác phẩm dùng chất liệu này thì không thể tạo ra hiệu ứng của chất liệu khác. Nhưng bởi sức mạnh công nghệ, bộ lọc hình ảnh khiến ảnh số có thể bắt chước hiệu ứng của ảnh film, cho dù nó trung thực với bất kỳ cái gì khác, ví như cảm xúc của người chụp chẳng hạn, thì có lẽ đối với người viết bài này, nó vẫn là một sản phẩm giả mạo.

Đi cả một đoạn đường dài như vậy, chỉ để trả lời một câu hỏi dường như cũng không lấy gì làm quan trọng, nhưng mong rằng chẳng phải chuyện trời ơi. Ngay cả đối với các tác phẩm tranh giả, có người cho rằng nếu bức tranh là giả nhưng nếu nó tinh xảo đến mức chuyên gia cũng khó phân biệt được, và nó vẫn mang lại giá trị mỹ học như tranh thật, thì nó vẫn có thể xếp vào cái là “giả nghệ thuật” và tranh của họ vẫn có thể trưng bày như các tác phẩm nghệ thuật chân chính khác. ♦

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply