Chầm chậm lao về phía trước

Huyền thoại hóa thực tại—Bruno Schulz
mythologizing of reality bruno schulz oddlymachine

Bản chất thực tại nằm ở ý nghĩa. Với chúng ta, điều vô nghĩa là điều vô thực. Mỗi mảnh thực tại sống nhờ việc nó dự phần vào một dạng ý nghĩa toàn thể nào đó. Thuyết nguồn gốc vũ trụ xưa diễn tả điều này bằng câu cách ngôn “ban đầu có Ngôi Lời”. Với con người, điều vô danh không tồn tại. Đặt tên cho điều gì là đưa nó vào ý nghĩa toàn thể. Ngôn từ rời rạc như mảnh chắp vá chỉ là sản phẩm về sau, là kết quả của kỹ nghệ. Ngôn từ khởi thủy là cơn mê cuồng vần xoay quanh vầng sáng của ý nghĩa, là toàn vẹn chung nhất vĩ đại. Ngôn từ trong ý nghĩa thông tục ngày nay chỉ là mảnh ghép, là phần sót lại của một huyền thoại hợp nhất bao hàm vạn vật của thuở xưa kia. Vì thế, nó lưu lại trong mình ý hướng sinh sôi trở lại, tái tạo và hoàn thiện trong ý nghĩa vẹn tròn của nó. Cuộc đời ngôn từ luôn gồng mình và căng mình nhoài tới hàng ngàn kết nối, như thân thể chia năm xẻ bảy của con rắn huyền thoại cố ráp lại những mảnh xác của mình trong đêm tối. Cơ cấu gồm hàng ngàn mảnh nhưng thống nhất của ngôn từ đã tan tác thành từng từ, từng thanh âm và những lời nói thông tục hàng ngày; khi được dùng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngôn từ đến với chúng ta qua những dạng thức mới ấy như một phương thức giao tiếp. Cuộc đời và sự phát triển của ngôn từ bước sang con đường mới, con đường của đời sống thực dụng, và tuân theo những nguyên tắc mới. Nhưng nếu vì nguyên cớ nào đó mà những nguyên tắc của đời sống thực dụng này nới lỏng, ngôn từ thoát khỏi vòng kiềm tỏa và lấy lại những luật lệ của riêng mình thì sẽ dẫn đến một cuộc quy hồi, một bước ngược dòng; ngôn từ khi ấy trở lại với những kết nối khi xưa và lại vẹn toàn trong ý nghĩa – xu hướng trở về chốn nuôi dưỡng, khát khao quay bước về đất mẹ này của ngôn từ, chúng ta gọi là thơ.   

Thơ là va chạm chóng vánh của ý nghĩa giữa từ ngữ, từ đó đột ngột tái sinh những huyền thoại nguyên sơ.

Ngày nay, khi sử dụng ngôn từ, chúng ta quên rằng đó chỉ là những mảnh vụn của bao câu chuyện cổ tích bất diệt nay đã lạc mất; như những kẻ man di, chúng ta dựng xây mái ấm của mình từ mảnh vỡ của những bức điêu khắc và tượng các vị thần. Những khái niệm và định nghĩa nghiêm chuẩn nhất của ta cũng chỉ là cành nhánh xa xôi của huyền thoại và những câu chuyện cổ. Chẳng có lấy một ý tưởng nào của chúng ta không bắt nguồn từ huyền thoại, chẳng ý tưởng nào không phải là một thứ huyền thoại cắt xén, biến dạng, méo mó. Chức năng trọng yếu của tinh thần là sáng tạo và kể lại “những câu chuyện”. Động cơ kiếm tìm tri thức của nhân loại cũng chỉ xuất phát từ niềm tin rằng đến cuối cuộc tìm kiếm, chúng ta sẽ tìm ra ý nghĩa tối hậu của thế giới. Chúng ta kiếm tìm ý nghĩa ấy trên đỉnh cao vời vợi của những giàn giáo và gò đống tích dồn. Thế nhưng nguyên vật liệu mà ta dùng để dựng xây đã từng được sử dụng, chúng đến từ “những câu chuyện” tan tác bị lãng quên. Thơ ca nhận ra mất mát ấy, đưa ngôn từ về đúng chỗ của chúng và ráp nối theo nghĩa thuở xưa. Dưới bàn tay nhà thơ, từ ngữ dường như nhớ lại ý nghĩa tối quan trọng của mình, sinh sôi nảy nở theo quy luật của riêng nó và giành lại tính toàn vẹn. Vì lẽ ấy mà mọi thơ ca đều huyền thoại hóa và tái tạo những huyền thoại về thế giới này. Cuộc huyền thoại hóa thế giới vẫn chưa mãn hồi. Bởi tri thức phát triển mà quá trình ấy bị trì hoãn, bị gạt sang một bên và sống mà không hiểu thấu ý nghĩa tối quan trọng của mình. Nhưng tri thức cũng chỉ dựng xây những huyền thoại về thế giới, bởi huyền thoại đã ngự sẵn trong mọi thành tố và không có cách nào thoát khỏi huyền thoại. Thơ ca chạm tới ý nghĩa bằng dự cảm, bằng diễn dịch dựa trên lối tắt và những phỏng đoán táo bạo. Tri thức cũng đi tìm chính ý nghĩa ấy nhưng bằng lối quy nạp, sử dụng phương thức có hệ thống và xét đến mọi kinh nghiệm vật chất. Chung quy, cả hai đều hướng tới cùng một mục tiêu.

Con người không mỏi mệt sơn phủ cuộc đời nhờ sự trợ giúp của huyền thoại, cố gắng hiểu “ý nghĩa” của thực tại. Trong khi ngôn từ tự thân nó đã luôn hướng về ý nghĩa.

Ý nghĩa là nhân tố đưa con người vào quá trình của thực tại. Nó là điều hiển nhiên tối thượng không thể phái sinh từ bất kỳ điều hiển nhiên nào khác. Thật khó trả lời vì sao điều gì đó lại có vẻ có ý nghĩa với chúng ta. Quá trình nhận thức thế giới gắn bó mật thiết với ngôn từ. Ngôn ngữ là cơ thể siêu hình của loài người. Nhưng theo thời gian, ngôn từ trở nên thô cứng, bất động và không còn tạo ra ý nghĩa mới. Nhà thơ khôi phục khả năng dẫn truyền của ngôn từ bằng những va chạm mới sản sinh khi chúng hợp lại với nhau. Biểu tượng toán học chỉ là phần mở rộng của ngôn từ sang một địa hạt khác. Hình ảnh cũng chỉ phái sinh của ngôn từ khởi thủy, thứ ngôn từ khi ấy chưa là ký hiệu mà chỉ là huyền thoại, câu chuyện hay ý niệm.

Chúng ta thường nghĩ ngôn từ chỉ là hình bóng, là hình ảnh phản chiếu của thực tại. Điều ngược lại mới chính xác: thực tại chỉ là hình bóng của ngôn từ. Triết học thực chất chính là ngôn ngữ học, là cuộc khảo cứu chuyên sâu và sáng tạo về ngôn từ. ♦

© Bản dịch tiếng Việt của thuys.


Chú thích:

  • Bản dịch tiếng Việt này ra đời dựa theo so sánh, đối chiếu bản nguyên gốc tiếng Ba Lan với bản dịch tiếng Anh của John M. Bates và bản dịch tiếng Anh của Walter Arndt và Victoria Nelson.
  • Trong bản nguyên gốc có dùng hai từ “sens” và “znaczen” có lẽ dịch sang tiếng Anh tương ứng là “sense” và “meaning”. Theo bài nghiên cứu về hai từ “nghĩa” và “ý nghĩa” của Nguyễn Thiện Giáp đăng trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN Số 3 (2014), người dịch bài này sử dụng thống nhất từ tiếng Việt là “ý nghĩa” cho từ “sens” và “nghĩa” cho từ “znaczen”.

Ảnh bìa: “Autoportrait”, Bruno Schulz 1920-1922, sử dụng kỹ thuật cliché-verre. (Nguồn: České centrum Praha)

Bản dịch năm 2024 này được chỉnh sửa từ bản dịch gốc đã đăng năm 2019 trên trang blog cá nhân. Bạn cần đọc offline hoặc muốn ủng hộ trang có thể mua bản PDF của bài này tại đây.

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply

One response to “Huyền thoại hóa thực tại—Bruno Schulz”
  1. […] Bản dịch cập nhật năm 2024 được đăng trên trang web tại đây. […]