Chầm chậm lao về phía trước

Phát triển bản thân là phát triển cái gì
what-is-personal-development-oddlymachine

Phát triển bản thân là khái niệm được rất nhiều người quan tâm nhưng khi người viết bài này mò mẫm kiếm tìm định nghĩa chính thức hay các mô hình áp dụng thì dường như mỗi nơi nhắc đến khái niệm này lại sử dụng một cách hiểu riêng. Dưới đây là danh sách một số hoạt động được đưa ra thuộc chương “Phát triển bản thân” trong khóa học “Các nhân tố thay đổi” (Elements of Change) của trường Atlantic Internaltional University:

  • tăng khả năng tự nhận thức về bản thân
  • tăng khả năng nhận thức về thế giới xung quanh
  • cải thiện kỹ năng hoặc học thêm kỹ năng mới
  • phát triển thế mạnh hoặc khai phá tiềm năng
  • phát triển về tinh thần, cảm xúc
  • phát triển về tâm lý
  • nâng cao sức khỏe
  • mở rộng khả năng kết nối với người khác
  • nâng cao chất lượng cuộc sống
  • phát triển sự nghiệp, tài chính
  • vân vân

Ở những nơi khác bạn có thể tìm thấy các bài viết kiểu “5 lĩnh vực phát triển bản thân” hoặc là 8, 12, 13, 17 nói chung là bất kỳ con số nào tùy vào việc người viết bài đó muốn phân chia các lĩnh vực ra sao. Cũng theo Elements of change thì phát triển bản thân đã phát triển thành cả một ngành kinh doanh với rất nhiều loại hình sản phẩm như ebook, khóa học, chương trình tư vấn, đào tạo… vân vân với mục tiêu giúp “khách hàng” phát triển bản thân. Và khi con người là một nguồn lực của tổ chức thì phát triển bản thân không chỉ là việc của mỗi cá nhân mà các tổ chức cũng trở thành khách hàng sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo, huấn luyện nhằm nâng cao khả năng của các thành viên trong tổ chức.

Trong tiếng Anh, phát triển bản thân có hai khái niệm “personal development” và “personal growth” tuy vẫn thường được dùng thay thế cho nhau nhưng thực ra mang nghĩa hơi khác nhau. Trong bài luận chỉ ra điểm khác biệt của hai thuật ngữ này xuất bản năm 1999, J. Irving nói rằng “personal development (hay self-development) có tính định hướng, có ngữ cảnh, việc đào tạo có cấu trúc và có thể đánh giá được” trong khi “personal growth là khái niệm mơ hồ hơn, được xác định chủ yếu bằng kết quả chứ không phải quá trình”. Bài viết này sử dụng khái niệm tiếng Việt là “phát triển bản thân” theo nghĩa là “personal development”.

Ngoài ra cũng cần phân biệt khái niệm “self-help” hay “self-improvement” với phát triển bản thân. Tự lực dùng để chỉ việc mỗi người tự khắc phục, giải quyết vấn đề của bản thân, sách self-help cung cấp một dạng hướng dẫn để cuối cùng, người đọc vẫn là người tự giải quyết vấn đề của họ. Tự lực có thể hiểu là một nhánh nhỏ của phát triển bản thân, tập trung vào một lĩnh vực cụ thể nào đó, trong khi phát triển bản thân là quá trình lâu dài (thường là kéo dài suốt đời) và toàn diện hơn.

Phát triển bản thân là gì?

Vậy thì phát triển bản thân là gì? Nếu tìm hiểu khái niệm này trong các nhánh con của nó, ví dụ như tâm lý học hay tính cách thì có rất nhiều lý thuyết được các học giả đưa ra (ví dụ như lý thuyết về các giai đoạn phát triển nhận thức của Piaget, mô hình cấu trúc về tính cách của Freud hay các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson…), nhưng rất tiếc là người viết bài này không thể tìm thấy một khái niệm chính thức đầy đủ nào về “phát triển bản thân”.

Nếu gom góp tất cả những lĩnh vực mà các trang nói về phát triển bản thân đưa ra thì “phát triển bản thân” được hiểu là việc cải thiện mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chính bản thân mỗi người, bao gồm cả người đó và mối liên hệ với thế giới xung quanh. Từ đây ta lại đi đến câu hỏi, vậy bản thân cuộc sống của mỗi người gồm những lĩnh vực gì?

Các lĩnh vực của phát triển bản thân

Bài viết này dường như chỉ khiến bạn đọc cảm thấy mù mờ hơn (sau khi đọc những bài khiến bạn cảm thấy rất rõ ràng). Nhưng ít nhất với câu hỏi trên thì cũng có một vài lý thuyết có thể trả lời. Một trong số đó là mô hình “bánh xe cuộc sống” do Paul J. Meyer phát minh vào những năm 1960s, mô hình này đưa ra 7 lĩnh vực:

  • Sự nghiệp (Career)
  • Tài chính (Financial)
  • Tâm linh (Spritual)
  • Thể xác (Physical)
  • Trí tuệ (Intellectual)
  • Gia đình (Family)
  • Xã hội (Social)

Một cách phân chia có lẽ là phổ biến hơn do Jill Willard khởi xướng có tên “Four Bodies”, theo đó cơ thể con người hợp thành từ bốn “cơ thể”: thể xác (physical), trí tuệ (mental), cảm xúc (emotional) và tâm linh (spiritual). Vậy phát triển bản thân có thể hiểu là việc cải thiện những lĩnh vực kể trên (tùy việc bạn áp dụng mô hình nào).

Cho dù không đưa ra được một khái niệm chính xác và đầy đủ, bài này mong sao cũng ít nhiều giúp bạn đọc hiểu rằng phát triển bản thân là khái niệm rất rộng, bởi vậy các bài viết trong mục này cũng có thể rất trên trời dưới biển, và cũng giải thích cho việc vì sao bạn đọc lại thấy cả những bài viết về mỹ học hay những bài tiểu luận đủ mọi chủ đề đăng trên trang này.♦

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply