Chầm chậm lao về phía trước

Phương pháp học tập vòng lặp đơn và vòng lặp kép
double-loop-learning-oddlymachine

Khi nói đến “học tập”, chúng ta thường liên tưởng đến nhà trường và sách vở, rộng hơn có thể văng vẳng câu “học, học nữa, học mãi” hay “bác học không có nghĩa là ngừng học” nhằm chỉ đến sự học của cả đời người. Nhưng học không chỉ là hành động của mỗi cá nhân.

Chris Argyris được nhắc đến trên trang của đại học Havard là “lý thuyết gia về quản lý có tầm ảnh hưởng, được nhiều người cho là cha đẻ của “việc học trong tổ chức”, đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về sự phát triển của tổ chức và khoa học về hành động” (“action”; phân biệt với hành vi “behavior”). Cùng với Donald Schön, ông phát triển khái niệm học tập theo vòng lặp đơn và vòng lặp kép. Áp dụng với cả cá nhân và tổ chức, phương pháp này có thể ứng dụng trong việc ra quyết định hay giải quyết vấn đề.

Phương pháp vòng lặp đơn và vòng lặp kép là gì

Trước hết cần hiểu nghĩa học tập ở đây là việc chủ thể cải thiện hành động của mình để đạt được kết quả như mong muốn, chứ không chỉ theo nghĩa thu nạp kiến thức. Học tập theo vòng lặp đơn là khi nhận được phản hồi về kết quả không như mong muốn, ta thực hiện thay đổi hành vi của mình. Vòng lặp kép là cuộc truy vấn thứ hai và sâu sắc hơn, theo đó chủ thể không chỉ thay đổi hành vi mà còn đặt câu hỏi với cả những giả định, niềm tin, giá trị… khiến ta đưa ra hành động đó.

Lý thuyết về hành vi nằm ngoài phạm vi của bài viết này, nhưng có thể nói một cách sơ lược là chúng ta hành động dựa trên những giá trị hay niềm tin, giả định đã định hình trước đó trong tâm trí; hộp đen xử lý dữ liệu này gọi là “mô hình tư duy”. Một ví dụ dễ hình dung là nếu bạn cho rằng mình là người ăn chay thì bạn sẽ không ăn thịt. Hành vi ăn uống của bạn được kiểm soát bởi giá trị này. Dần dần chúng tạo thành những lối mòn gọi là “kịch bản hành vi” giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng tư duy trước khi phải đưa ra quyết định làm việc gì. Ví dụ dễ thấy nhất là bạn có thể đi đi về về từ nhà đến trường hay nơi làm việc mà không cần phải nghĩ ở mỗi ngã ba, ngã tư xem nên rẽ bên nào.

Một ví dụ về vòng lặp đơn và vòng lặp kép mà Chris Argyris thường sử dụng trong những cuốn sách của ông (như “Teaching Smart People How to Learn” hay “Organizational Learning”) là về bộ điều nhiệt.

Bộ điều nhiệt tự động tăng nhiệt khi nhiệt độ phòng giảm xuống dưới 69°F là ví dụ về vòng lặp đơn. Nhưng một bộ điều nhiệt biết hỏi “sao lại cài đặt cho tôi là 69°F”, và sau đó tự tìm hiểu xem liệu có mức nhiệt nào khác cũng đạt được mục đích giữ ấm cho căn phòng một cách tiết kiệm hơn không là khi nó đã áp dụng vòng lặp kép. (Dẫn từ “Teaching Smart People How to Learn”)

Ví dụ về bộ điều nhiệt này thực chất được mượn từ ví dụ của W. R. Ashby trong cuốn “Design for a Brain” của ông. Ross Ashby là bác sĩ tâm thần học người Anh đi tiên phong trong lĩnh vực điều khiển học và các hệ thống kiểm soát tự động ở cả máy móc và vật thể sống. Ông có niềm hứng thú đặc biệt với khả năng thích nghi.

Trong lý thuyết về sự thích nghi của ông, một cỗ máy chỉ được coi là có tính thích nghi khi nó có hai vòng lặp phản hồi. Vòng lặp thứ nhất diễn ra thường xuyên và chỉ tạo ra các thay đổi nhỏ. Vòng lặp thứ hai ít thường xuyên hơn nhưng thay đổi cấu trúc của hệ thống khi các biến trượt ra ngoài ngưỡng giúp nó hoạt động được. Ashby đề xuất ví dụ về hệ thống máy bay tự lái. Hệ thống bình thường chỉ duy trì khả năng vận hành ổn định. Nhưng nếu có sai sót gì đó thì sao? Một hệ thống “siêu ổn định” là khi nó có thể nhận ra thay đổi trong biến số ban đầu và có khả năng điều chỉnh lại để đạt được sự ổn định.

Điều khác biệt lớn nhất giữa hai phương pháp này là trong khi vòng lặp đơn chỉ đặt ra nghi vấn với hành động thì vòng lặp kép đi sâu hơn để tìm ra vấn đề có thể nằm trong tư duy trước khi đưa ra hành động. Điều này đòi hỏi mức độ tự nhận thức cao hơn cũng như sự dũng cảm để dám thay đổi. ♦

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply