Chầm chậm lao về phía trước

Second Brain là gì—não hai (hay là ba)
second brain oddlymachine

Second Brain một dạo là cụm từ khá thời thượng, nếu bạn quan tâm dù chỉ chút ít đến chủ đề phát triển bản thân hay năng suất làm việc, học tập thì hầu như sẽ cấp tập tạo ra một bộ não thứ hai cho bản thân ngay, như sợ rằng không có thì không được đầy đủ hay khó mà bằng bạn bằng bè cho được. Bài này sẽ giải mã chút ít cụm từ này và giới thiệu một hệ thống Second Brain cũng khá thịnh hành bây giờ do Tiago Forte khởi xướng.

Second Brain là gì? Não hai hay là não ba?

Khái niệm “second brain” không phải bây giờ mới xuất hiện. Năm 1996, giáo sư khoa bệnh lý học tại đại học Columbia Michael Gershon (xin tránh nhầm với Mike Gershon, giáo viên, nhà giáo dục) viết cuốn sách mang tên “The Second Brain” với tiêu đề phụ là “Your Gut Has a Mind of Its Own”. Mike Gershon được cho là cha đẻ của ngành (tạm dịch là) thần kinh hệ tiêu hóa (neurogastroenterology) với công trình cho thấy đường ruột con người cũng có bộ não của riêng nó, từ đó vẫn được nhắc đến như một bộ não thứ hai.

Nhưng trong khi bộ não thứ hai này ít được quan tâm hay biết đến, thì khái niệm Second Brain (hay đúng ra là bộ não thứ ba), vẫn được cho là do Tiago Forte đề xuất hay nói đúng hơn ông là người khiến khái niệm này trở nên phổ biến hơn, ngày nay mang một ý nghĩa mới. Tiago Forte gọi đó là “một kho lưu trữ dữ liệu số, tập trung” gồm tất cả những gì bạn học được và nguồn gốc của chúng, giúp “mở rộng khả năng ghi nhớ bằng các công cụ công nghệ hiện đại”.

Bộ não ngoại vi như một kho lưu trữ cũng không phải khái niệm xa lạ nếu nhớ về câu chuyện (có thể là huyền thuyết) về Einstein khi được hỏi về tốc độ âm thanh, ông bảo mình chẳng mang những thứ ấy trong đầu làm gì vì chúng ghi cả trong sách rồi mà. Nhưng Tiago Forte đưa khái niệm này đi xa hơn, thành một phương pháp có hệ thống, với tư tưởng cốt lõi là “bộ não thứ hai này không chỉ là nhà kho lưu trữ những ý tưởng quý báu mà là một nhà máy giúp biến những ý tưởng đó thành kết quả thực tế”.

Vậy sau cùng Second Brain cũng là một hệ thống quản lý tri thức, mà theo phương pháp của Tiago, hướng nhiều hơn đến kết quả.

Các bước xây dựng Second Brain theo Tiago Forte

Tiago đề xuất phương pháp bốn bước CODE: tương ứng là Capture (Tóm bắt), Organize (Tổ chức), Distill (Chắt lọc) và Express (Thể hiện), nhằm liên tục biến thông tin đầu vào thành kết quả đầu ra có ý nghĩa, theo định hướng của cá nhân.

Bước tóm bắt, lưu trữ thông tin được đề xuất thực hiện sử dụng nhiều công cụ, do tính chất phân mảnh của hoạt động con người, từ nội dung trên mạng xã hội, podcast, website cho đến email, ứng dụng ghi chú… sau đó được tập trung về một nơi duy nhất. Điều lưu ý ở bước này là chỉ giữ những gì mà bản thân bạn quan tâm và chỉ sử dụng trực giác để đánh giá, tránh phải lựa chọn hay phân tích mất nhiều thời gian.

Sau khi đã tóm được một mớ hổ lốn thông tin đủ mọi kiểu, bạn tiến hành sắp xếp, tổ chức chúng theo một trật tự mà ông Tiago đề xuất là phương pháp PARA. Theo ông thì mọi hoạt động số của con người đều có thể xếp vào một trong bốn nhóm này, nếu không thì tức là chúng không cần thiết, vứt đi cũng được. Bốn nhóm được sắp xếp theo mức độ dễ hành động giảm dần, nghĩa là càng về sau thì dữ liệu lưu trữ càng có tính “lười”, ít được động tới, ít sử dụng. Dưới đây là bốn nhóm, đi kèm với ví dụ do ông Forte đưa ra.

  • Projects (Dự án): là những việc bạn làm (cuộc sống cá nhân hoặc công việc) với những mục tiêu nhất định. Ví dụ: mua máy tính mới, thiết kế trang web.
  • Areas (Lĩnh vực): là những trách nhiệm dài hạn, phải duy trì thường xuyên. Ví dụ: sức khỏe (cá nhân), nghiên cứu và phát triển (công việc).
  • Resources (Tài nguyên): là những chủ đề hay sở thích bạn quan tâm. Ví dụ: cà phê, thiết kế đồ họa.
  • Archive (Lưu trữ): là bất kỳ mục nào ở trên nhưng không còn sử dụng nữa nhưng không muốn xóa đi.

Dựa vào phân loại này, Tiago đề xuất quy trình xác định cách phân loại sau khi bạn tóm bắt được bất cứ thứ gì với thứ tự như sau:

  • Chúng có dùng cho dự án nào được không? Nếu có thì đưa vào dự án đó.
  • Nếu không thì hỏi: Chúng có thuộc lĩnh vực nào không? Nếu có thì đưa vào lĩnh vực đó.
  • Nếu không thì hỏi: Chúng có thuộc tài nguyên nào không? Nếu có thì đưa vào tài nguyên đó.
  • Nếu không thì chúng không cần thiết, xóa thôi.

Lĩnh vực và Tài nguyên là hai khái niệm khiến nhiều người bối rối hơn cả, và hầu như khó phân biệt được nên xếp cái gì vào nhóm nào. Theo diễn giải của ông Forte trên kênh YouTube của ông thì các Lĩnh vực đòi hỏi bạn dành thời gian thường xuyên, liên tục và kéo dài. Ví dụ như Sức khỏe là thứ cần chăm sóc luôn luôn, đến khi ta không còn sức khỏe nữa. Chúng thường không bao giờ kết thúc (các Dự án thì ngược lại, luôn có thời hạn).

Còn Tài nguyên có thể tạo ra ý tưởng cho một dự án (ví dụ mở quán cà phê), chúng có thể là những thứ vui vui không để làm gì như một meme chẳng hạn (dù những thông tin kiểu này không được khuyến khích lưu trữ vì không có giá trị sử dụng sau này, đương nhiên cũng tùy, nếu bạn sở hữu website chuyên đăng meme thì chúng lại có ích), có thể là một câu trích dẫn từ sách hay công thức nấu ăn.

Đề xuất của mình, sau khi áp dụng hệ thống này của ông Forte, là bất cứ thứ gì là danh từ mang tính trừu tượng, bao gồm nhiều thức khác bên trong, và ta không thể làm gì với chúng, đều nên xếp vào nhóm Lĩnh vực. Ví dụ lĩnh vực Cà phê có thể bao chứa thông tin về các loại hạt, kiểu pha chế, tác dụng/hại của cà phê với sức khỏe… Còn bản thân danh từ “Cà phê” thì chẳng thể dùng làm gì. Còn Tài nguyên là những mẩu dữ liệu, có thể đem sử dụng, phục vụ cho một lĩnh vực hay dự án. Ví dụ một khóa học online về thiết kế đồ họa có thể hữu ích cho dự án thiết kế trang web, một mẩu trích dẫn có thể hữu ích cho bài đăng blog, một bài báo về thành phần dinh dưỡng của cà phê có thể nằm trong lĩnh vực Cà phê.

Hệ thống mà ông Tiago Forte đề xuất mang tính phương pháp, để sử dụng được bạn còn cần các công cụ liên quan, dù là sách vở giấy bút hay ứng dụng công nghệ. Bất cứ mọi cái gì được gọi là “true”, hay đích thực, đều là ngoa ngôn. Ai đi tìm True Second Brain, hỏi nó là Notion hay Obsidian hay gì gì chăng nữa, đều chỉ trả lời câu hỏi cho chính họ. Nếu đang tìm một hệ thống quản lý tri thức, bạn có thể thử, nhưng chớ quên trước nhất vẫn là mục đích của bạn là gì.

Tham khảo:
Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm thông tin về ông Michael Gershon trên trang của đại học Columbia tại đây.
Trang web của Tiago Forte cung cấp nhiều bài viết liên quan đến hệ thống Second Brain của ông, mời xem tại địa chỉ này. Ông cũng có các khóa học và phát hành sách liên quan đến chủ đề này mà bạn có thể tìm thấy trên trang web của ông.

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply