Chầm chậm lao về phía trước

Zettelkasten—hộp ghi chú (một giới thiệu rất không ngắn)
zettelkasten Niklas Luhmann

Zettelkasten là từ ghép tiếng Đức của “zettel”—mảnh giấy và “kasten”—hộp; nôm na là một chiếc hộp đựng những mảnh giấy. Nói đến Zettelkasten, nhiều người chỉ nghĩ đến nhà xã hội học người Đức Niklas Luhmann và coi ông như người phát minh ra phương pháp này. Thực tế thì những chiếc hộp này đã được sử dụng như công cụ ghi chú hay quản lý tri thức cá nhân từ rất lâu và được nhiều học giả sử dụng (vì còn ai cần lưu trữ nhiều tri thức hơn đám người này) bên cạnh những tên tuổi như Conrad Gessner, Walter Benjamin hay Roland Barthes.

Điều khiến phương pháp hộp ghi chú (gọi vậy nghe hay hơn hộp giấy lộn) của Niklas Luhmann phổ biến không chỉ ở khối lượng tác phẩm ông để lại (chứng minh cho tác dụng của hệ thống này lên năng suất làm việc của ông), ở việc ông sử dụng phương pháp này một cách toàn diện mà còn ở chỗ ông hệ thống hóa phương pháp này trong nghiên cứu lý thuyết về hệ thống của mình, trình bày trong bài luận “Kommunikation mit Zettelkästen” (tạm dịch: Giao tiếp bằng hộp ghi chú; hiện tôi có tìm được hai bản dịch tiếng Anh, bạn đọc quan tâm đến bài này xin để lại bình luận để tôi đưa chúng vào danh sách chờ dịch). Bởi vậy chúng ta ít biết cách dùng hộp ghi chú của những học giả khác, nhưng thông tin về phương pháp của Luhmann thì rất sẵn. Bài viết này sẽ giới thiệu về phương pháp Zettelkasten của ông.

Trước tiên xin lưu ý qua về thuật ngữ sử dụng. Zettel nguyên ủy nghĩa là mảnh giấy, bản thân Luhmann sử dụng cũng dùng giấy bút truyền thống, nhưng với ý tưởng chung về Zettel như một đơn vị lưu trữ tri thức nhỏ nhất, bài này sẽ dùng từ tiếng Việt là “ghi chú”. Bởi Zettelkasten đã trở thành hầu như tên riêng, thay vì được dịch ra là “hộp ghi chú”, bài này cũng sẽ sử dụng từ này như tên riêng.

Nguyên tắc chính của phương pháp Zettelkasten theo Niklas Luhmann
  • Tính siêu văn bản
  • Tính không thể phân chia
  • Tính cá nhân

Tính siêu văn bản được hiểu là khả năng kết nối giữa các ghi chú, chính bởi vậy ta không gọi những hộp này là hộp giấy lộn, mà là một hệ thống tri thức được sắp xếp có tổ chức. Điểm mấu chốt của nguyên tắc này nằm ở việc liên kết văn bản với nhau qua các siêu liên kết, như khi bạn đọc Wikipedia và thoải mái bay lượn giữa các trang gắn siêu liên kết của họ. Giờ chúng ta đã quá quen với các dòng chữ màu xanh điều hướng sang một trang khác qua một cú nhấp chuột, nhưng đối với Luhmann điều này có nghĩa là khi cầm lên một mảnh giấy thì bạn có thể dễ dàng tìm đến những mảnh liên quan khác.

Để làm được điều này, Luhmann sử dụng hệ thống đánh số theo cấp bậc và gắn cho mỗi ghi chú một dãy số này (giống như địa chỉ nhà), không nhất thiết phải có cấu trúc dạng cây, vì như ông nói “bạn đặt ghi chú ở đâu không quan trọng, miễn sao có thể kết nối tham chiếu đến đó”. Hệ thống này giúp ông dễ dàng mở rộng kho tri thức của mình vì khi cần chỉ cần thêm một số thứ tự vào sau (giống như rẽ nhánh) và dễ dàng liên kết các ghi chú với nhau (dựa vào địa chỉ đã gán cho từng ghi chú).

Khi bước vào mạng lưới ghi chú này, bạn sẽ có cảm giác bước vào một ma trận trỏ đến rất nhiều con đường cho bạn thoải mái rẽ ngang rẽ dọc. Nhưng câu hỏi đặt ra là bước vào mạng lưới này bằng cách nào? Luhmann tạo ra một cánh cổng bằng cách liệt kê một bảng chữ cái thuật ngữ và gán cho chúng một hoặc nhiều ghi chú. Ghi chú này sẽ giống như cánh cổng đầu tiên bạn bước vào trước khi tiếp tục khám phá mạng lưới này. Ngoài ra, Luhmann cũng sử dụng từ khóa cho mỗi ghi chú (hay được hiểu như tag), không chỉ giúp dễ dàng tìm kiếm ghi chú cùng nội dung mà còn tìm ra các từ khóa liên quan.

Tính không thể phân chia được hiểu là mỗi ghi chú chỉ thể hiện một ý nghĩ. Ý nghĩ là đơn vị cơ sở của hệ thống này. Một cuốn sách có thể gồm nhiều chương nhưng một ý nghĩ (hay tư tưởng) có thể xuất hiện ở nhiều phần trong sách, vì thế không thể tham chiếu đến mà không gây mơ hồ. Mục đích của việc sử dụng ý nghĩ như đơn vị cơ sở là nhằm làm sáng tỏ nội dung được tham chiếu.

Zettelkasten được sử dụng như một hệ thống quản lý tri thức cá nhân, không nhằm vào tính dễ chia sẻ. Mục đích cuối cùng là giúp chủ nhân của chiếc hộp dễ dàng tìm được những mảnh tri thức đó đây đã góp nhặt phục vụ cho một công việc cụ thể, thường là nghiên cứu, viết lách hay các công việc đòi hỏi tổng hợp lượng kiến thức từ nhiều nguồn.

Các thành phần của một ghi chú

Mỗi ghi chú gồm 3 thành phần:

  • Một địa chỉ duy nhất dùng để tham chiếu, có rất nhiều cách như dùng thời gian tạo (ôi thời gian thật dài nhưng từng phút giây mãi mãi là duy nhất) hay chuỗi ký tự tùy ý… miễn sao chúng đảm bảo tính duy nhất. Luhmann dùng chính chuỗi số trong hệ thống đánh số của mình làm địa chỉ cho từng ghi chú.
  • Nội dung ghi chú dài ngắn tùy ý, có thể liên kết sang ghi chú khác nếu cần. Điểm lưu ý ở phần này là nội dung nên là từ ngữ do chính bạn viết ra, thay vì sao chép nguyên văn ở nguồn khác (trừ khi là câu trích dẫn), giúp sau này dễ gợi nhớ (mình tự nghĩ ra bao giờ cũng nhớ hơn là học thuộc), đồng thời cũng giúp bạn hiểu những gì mình đang lưu lại hơn. Một lưu ý nữa ở phần này là nên biến thông tin thành tri thức rồi hãy lưu trữ, một chủ đề xứng đáng một bài viết riêng.
  • Nguồn tham chiếu, cái tên nói lên tất cả rồi. Trừ khi là ý nghĩ của chính bạn thì không cần ghi nguồn.

Phương pháp mà Luhmann đề xuất trong bài luận của ông không phân loại ghi chú, nhưng có một cách phân loại ghi chú được nhiều nơi đưa ra và thường hay gắn với phương pháp của Luhmann, kỳ thực bắt nguồn từ cuốn sách “How to Take Smart Notes” của Sönke Ahrens. Có lẽ nằm ngoài phạm vi của bài này.

Zettelkasten của Luhmann là phương pháp được áp dụng phổ biến, bạn đọc quan tâm có thể tìm thấy nhiều nguồn đi sâu vào phương pháp này. Nhưng như đã nói ở trên, phương pháp này có lẽ phù hợp với các nhà nghiên cứu, học giả, các bạn đang viết luận văn cần khối lượng kiến thức tham chiếu từ nhiều nguồn. Luhmann có thể chỉ cần giấy bút và một chiếc hộp, nhưng giờ đây một công cụ số cũng có thể đóng vai trò của tất cả những đồ vật trên. Bởi rất nhiều tôi sẽ chẳng kể tên, chỉ xin đưa ra hai công cụ hỗ trợ tham chiếu là JabRefZotero.

Nếu bạn quan tâm đi sâu vào cách xây dựng chiếc hộp ghi chú này, xin để lại bình luận để tôi dần dần trả bài.

Mời bạn điền email để nhận thông báo khi có bài đăng mới

Bằng việc ấn đăng ký, bạn đồng ý tuân thủ theo Điều khoản sử dụngChính sách về quyền riêng tư của Oddly Machine.

Đóng góp của bạn giúp blog này tồn tại

Bài viết xem nhiều

Leave a Reply